Các vấn đề của giáo dục từ xa Đào_tạo_từ_xa

Sự tương tác (interactive/synchronous)

Có nghĩa là có sự tương tác theo thời gian thực, trực tiếp giữa giảng viên và học viên trong quá trình dạy học. Trong GDTX tương tác, có một số phương thức tổ chức đào tạo sử dụng các công nghệ điển hình như ở dưới đây:

- Radio hai chiều; Thoại hội nghị: Công nghệ này được dùng nhiều cho các chương trình giáo dục phổ cập hơn là đào tạo cho người trưởng thành. Nó cũng được dùng nhiều như là hình thức bổ trợ cho các công nghệ đào tạo khác, ưu điểm nổi bật là giá thành rẻ.

- Cầu truyền hình: Sử dụng các bộ TIVI CODEC hoạt động ở tốc độ cao (2, 34Mbit/s), như các cầu truyền hình mà chúng ta vấn thường xem trong các dịp lễ tết trong những năm qua, giá thành của công nghệ này là đắt, thường chỉ sử dụng cho nghiên cứu, cho các hoạt động cần có chất lượng âm thanh và hình ảnh rất cao.

- Hội nghị truyền hình ISDN/IP: Sử dụng kết hợp công nghệ máy tính, viễn thông và truyền hình. Vấn đề trọng tâm của hội nghị truyền hình ISDN/IP là các bộ mã hoá âm thanh và hình ảnh với hệ số nén rất cao. Giá thành của công nghệ này phụ thuộc vào yêu cầu chất lượng hình ảnh, âm thanh. Nhưng nhìn chung là phù hợp với các doanh nghiệp, hoặc cá nhân có khả năng tài chính nhất định.

Sự không tương tác (non-interactive/asynchronous)

Có nghĩa là không có sự tương tác theo thời gian thực, trực tiếp giữa giảng viên và học viên trong quá trình dạy học. Trong GDTX không tương tác, có các phương thức được sử dụng điển hình như:

- Tài liệu, bài giảng in (print): Đây là công nghệ cổ điển, truyền thống nhất, dễ thực hiện nhất và đặc biệt là rẻ tiền nhất. Tài liệu, bài giảng in sẽ tồn tại lâu dài dù cho các công nghệ nào khác chăng nữa sẽ được sử dụng cho GDTX trong tương lai.

- Băng/đĩa hình, băng/đĩa tiếng (audio/video tape, disk): Đây cũng là một công nghệ phổ biến trong những thập niên trước, trong tương lai công nghệ này sẽ không phát triển nhiều, hoặc nếu có chỉ được sử dụng là một hình thức bổ trợ cho các công nghệ khác.

- Các chương trình CBT, các công cụ mô phỏng (đĩa mềm, CD-ROM, Multimedia...): Công nghệ này dựa vào các ứng dụng mô phỏng của kỹ thuật máy tính.

- Phương tiện phát thanh, truyền hình quảng bá (broadcasting): Công nghệ này sử dụng các đài phát thanh, truyền hình để thực hiện GDTX. Ưu điểm của công nghệ này là cùng lúc có thể giảng dạy cho số lượng rất lớn học viên. Khả năng tiếp cận của người học cũng rất phong phú, tiện lợi.

- Mạng Intranet, Internet (web, mail, e-learning...): Đây được coi là công nghệ GDTX của thế kỷ 21.

Có thể thấy các công nghệ sử dụng cho GDTX là rất đa dạng và phong phú. Trên cơ sở các phương thức GDTX vừa nêu, có thể diễn giải một cách tổng quát về GDTX như sau: " là một phương thức giáo dục - đào tạo dựa trên cơ sở của kỹ thuật nghe nhìn, công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin. GDTX lấy tự học là chủ yếu, có sự hỗ trợ tích cực của giáo trình, tài liệu hướng dẫn, băng hình/tiếng, phương tiện truyền thanh/truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông; có thể đồng thời có sự hướng dẫn và hỗ trợ của giảng viên của cơ sở đào tạo".